Dựng lại truyền thống

Có một tác giả người Nhật đã nói : Giá trị của truyền thống là biết vượt qua truyền thống – Ý của tác giả là phải biết gạn lọc giá trị cốt lõi của truyền thống, làm cho sinh động, nâng cao giá trị của nó lên, bằng cách thích nghi với cuộc sống hiện đại.

Người Nhật rất trọng truyền thống, nhưng với họ, giữ gìn truyền thống không có nghĩa là phục cổ, lệ cổ… Khi xưa, cha ông Tổ tiên họ ĐOÀN cũng đặt ra cho dòng họ một truyền thống là giữ Đạo, thương yêu, đoàn kết và đùm bọc lẫn nhau, cùng chung tay xây dựng cuộc sống sao cho trên thuận dưới hòa, trong không khí thanh bình của làng quê mộc mạc. Những gì từng có từ thuở xưa đã mất dần theo lịch sử đổi thay của quê hương, đất nước. Một đại gia đình của họ ĐOÀN cứ bị chia nhỏ ra và mỏng dần do cơn “Sốt chiến tranh”, giống như một trái cam mà người ta tách ra làm nhiều múi – Khiến cho một dòng họ đang sống trong một quần thể bình an hạnh phúc, phải chia ly, kẻ ở lại miền Bắc, người di tản vào miền Nam.

Truyền thống của họ ĐOÀN cứ thế theo thời gian rơi vào quên lãng. Một công trình của một dòng họ tự nhiên mất hút theo thời cuộc, nghĩ ra thật là vô lý, không giải thích được và đôi khi mai một không chừng … Bỗng có một nhân tố trong họ, đã mạnh dạn khơi dậy niềm ao ước tưởng đã chìm đắm theo thời gian. Ông Đoàn Văn Tuấn (chú Tuân) khởi xướng và khích lệ các bậc cha chú, bằng mọi cách để qui tụ dòng họ ĐOÀN, thành lập ngày giỗ Tổ. Việc dựng lại truyền thống không phải dễ, được người này, mất người kia – Ý kiến này đả phá ý kiến khác – Vậy mà chú Tuân vẫn làm được.

Sự bền bỉ và kiên nhẫn cộng với khả năng thuyết phục – Chú Đoàn Văn Tuấn (Tuân) đã bẻ gãy những ý kiến ngược chiều để có một ngày giổ Tổ đầu tiên tổ chức tại giáo xứ Bùi Vĩnh năm 1973, nơi linh mục Vinh-sơn Đoàn Kim Thanh đang đương nhiệm chánh xứ – Tôi nhìn thấy nụ cười tươi như hoa của chú cùng với cái bắt tay thật chặt của ba tôi (ông Giảng). Chú nói : “Bác và em đã thành công”. Rồi những lần giổ Tổ được luân phiên mỗi năm một lần, đến ngành nào thì phải chuẩn bị để họ hàng đến cầu nguyện cho Tổ tiên và sau đó cùng chia sẻ niềm vui trong cuộc sống.

Cho đến bây giờ, đã qua rồi thời kỳ loạn lạc, khó khăn – Mọi sự được bình yên, con cháu họ ĐOÀN đang sống trong thời đại mới, khúc ruột quặn đau đã được Thiên Chúa chữa lành, thân phận con người từng bước được trân trọng – Không một lý do nào, nguyên nhân nào buộc chúng ta quên đi truyền thống mà cha ông đã cố  công vun đắp, gầy dựng để chúng ta có được ngày hôm nay. Việc dựng lại truyền thống thật không dễ, nhưng với sự quyết tâm và lòng nhiệt huyết, chắc chắn hậu duệ họ ĐOÀN sẽ làm được. Chuyện khó tin nhưng đã thành hiện thực, năm 2016 cuộc Hội Ngộ họ ĐOÀN lần thứ nhất đã được tổ chức thành công. Trong không khí vui tươi của ngày đầu Xuân, tôi nhận thấy hai chữ “Hội Ngộ” có vẻ gần gủi, nhẹ nhàng, linh hoạt hơn, thay vì dùng từ “Giổ Tổ”.

Với tâm tình này, tôi mong muốn mọi người trong dòng tộc nên gìn giữ truyền thống, bằng mọi cách, phát huy truyền thống của Tổ tiên, để họ ĐOÀN chúng ta luôn phát triển vững mạnh.

 

Sài gòn tháng 9 – 2016

Đoàn Trọng Phú